Lượt xem: 390

Sóc Trăng quan tâm tái đánh giá, củng cố thương hiệu sản phẩm OCOP

Tính đến đầu tháng 12 năm 2022, toàn tỉnh Sóc Trăng đã phát triển được 189 sản phẩm OCOP, trong đó, có 01 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 19 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 169 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Theo quy định chung, các sản phẩm OCOP sau 3 năm được cấp giấy chứng nhận phải được tổ chức đánh giá lại. Trên cơ sở này, nhiều chủ thể đã có sự đầu tư, cải tiến quy trình kỹ thuật để nâng cao chất lượng, mẫu mã vừa phục vụ nhu cầu tái đánh giá, vừa góp phần củng cố thương hiệu sản phẩm.

 


Sản phẩm trà mãng cầu Cẩm Thiều đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh 

 

    Hiện nay, các sản phẩm OCOP của tỉnh được đánh giá, xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, các sản phẩm này được các đơn vị phân phối, bán lẻ, sàn giao dịch thương mại điện tử ký kết hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn. Những thành tựu quan trọng nói trên có được là việc ban hành các chính sách đúng đắn, hiệu quả của Đảng và Nhà nước; quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, các thiết chế thuộc khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; việc áp dụng các loại hình tổ chức sản xuất trong nông nghiệp như: Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, mô hình kinh tế hộ; trong đó, các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu nông sản địa phương. Xác định rõ việc tổ chức đánh giá chặt chẽ, không chạy theo thành tích, phong trào, sẽ góp phần củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP nên phòng kinh tế, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn tại các huyện, thị xã, thành phố đều có sự quan tâm sát sao, đồng hành, hỗ trợ các chủ thể những phần việc cần thiết để phục vụ cho việc tái đánh giá sản phẩm.

    Đồng chí Hồng Minh Nhật - Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm cho biết: “Chúng tôi quan tâm, theo dõi hoạt động sản xuất của các cơ sở nhằm nắm bắt rõ nhu cầu phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của từng chủ thể. Từ đó, xây dựng kế hoạch phối hợp cùng Trung tâm Khuyến công của tỉnh để có sự hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với quy mô hoạt động của cơ sở. Bên cạnh đó, quan tâm phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo cung ứng kịp thời nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để phục vụ cho nhu cầu chế biến sản phẩm. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức liên quan về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như các kiến thức về chuẩn hóa sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu và phát triển thị trường”.

    Sản phẩm trà mãng cầu Cẩm Thiều của Công ty TNHH Cẩm Thiều ở Khóm 3, Phường 1, thị xã Ngã Năm là một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Sóc Trăng, khi đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh trong năm đầu tiên triển khai chương trình. Đến nay, sản phẩm trà mãng cầu của công ty đã không còn xa lạ với người tiêu dùng trên cả nước. Cùng với số lượng đơn hàng được duy trì ổn định ngay từ những năm đầu mới hoạt động, việc được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh đã góp phần quảng bá rộng hơn loại thức uống đặc sản của vùng trũng phèn Ngã Năm, từ đó thu hút một lượng khách hàng lớn ngoài nước. Từ những kết quả đạt được, trong quá trình kinh doanh, Công ty TNHH Cẩm Thiều đã đầu tư thêm trang thiết bị hiện tại để đơn giản hóa nhiều công đoạn trong chế biến, đóng gói sản phẩm. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách xây dựng quy trình quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO.

    Ông Dương Minh Trung - Giám đốc Công ty TNHH Cẩm Thiều chia sẻ thêm: “Để đáp ứng nhu cầu sản xuất đối với công ty, chúng tôi cũng chủ động tăng cường thêm một số thiết bị máy móc để giúp cho quá trình sản xuất các sản phẩm OCOP đạt hiệu quả. Thiết thực nhất là trong năm 2020 - 2021, Công ty đã đầu tư thêm máy sấy, nhà sấy, máy sấy lạnh, đảm bảo chất lượng cũng như nguồn hàng cung ứng cho thị trường trong điều kiện thời tiết thay đổi bất thường”.

    Cùng với trà mãng cầu Cẩm Thiều, khô trâu Sáu Sành của hộ kinh doanh Trần Thị Sành ở thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị cũng là sản phẩm được đánh giá, xếp hạng 3 sao trong năm đầu tiên triển khai Chương trình OCOP tại tỉnh Sóc Trăng. Lợi ích khi được gắn sao OCOP đã được khẳng định rõ rệt khi khô trâu Sáu Sành hiện là sản phẩm thu hút lượng khách hàng khá lớn cả ở cả thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Để đạt đủ các điều kiện tham gia tái đánh giá, hộ kinh doanh đã rất chú trọng trong vấn đề cải thiện chất lượng sản phẩm. Theo đó, nguồn nguyên liệu thịt trâu được dùng để chế biến đảm bảo là nguồn thịt sạch, có nguồn gốc rõ ràng; mọi công đoạn hình thành sản phẩm đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài mặt hàng khô trâu quen thuộc, qua công đoạn sấy bằng trang thiết bị hiện đại, cơ sở còn cho ra thị trường sản phẩm khô trâu dạng sấy chín ăn liền với nhiều trọng lượng khác nhau.

    Bà Trần Thị Sành - Chủ thể sản phẩm OCOP khô trâu Sáu Sành, huyện Thạnh Trị thông tin: “Để tái đánh giá sản phẩm OCOP, cơ sở đã quan tâm thiết kế bao bì sản phẩm cho bắt mắt hơn. Từ sản phẩm tươi, chúng tôi đầu tư thêm hệ thống sấy để cho ra thêm sản phẩm khô trâu dạng sấy chín ăn liền, từ loại 100gr, 200gr hoặc 500gr. Như vậy giúp người tiêu dùng thuận tiện hơn khi muốn sử dụng sản phẩm”.

    Trong đợt tái đánh giá lần đầu tiên được tổ chức vào cuối tháng 11 năm 2022, Hội đồng đánh giá, xếp hạng OCOP tỉnh Sóc Trăng đã tiếp nhận được 16 hồ sơ của các chủ thể có sản phẩm OCOP được chứng nhận trong năm 2019, trong đó có 15 hồ sơ đạt từ 3 sao trở lên. Theo nhận định chung, hầu hết các sản phẩm tham gia tái đánh giá đều có sự cải tiến vượt trội về bao bì, mẫu mã.

    Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 200 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, phấn đấu có từ 6 - 7 sản phẩm đạt 5 sao; củng cố và nâng hạng ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá. Cùng với sự nỗ lực của các địa phương trong việc khuyến khích hộ kinh doanh, hợp tác xã tập trung chuẩn hóa các sản phẩm đặc trưng tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cũng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để chương trình OCOP của tỉnh phát triển thực chất, hiệu quả, thật sự trở thành giải pháp quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.

    Đồng chí Lê Văn Đáng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng thông tin thêm: “Chúng tôi sẽ lồng ghép chặt chẽ chương trình OCOP gắn với kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, trong đó, tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với vùng nguyên liệu đặc trưng của các địa phương. Đẩy mạnh công tác truyền thông về chương trình OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng đến doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh, qua đó, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm tiềm năng xây dựng hồ sơ đăng ký tham gia chương trình theo quy định. Tiếp tục hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện và nâng cấp các sản phẩm đã được công nhận, cụ thể là nâng cao kỹ năng quản trị, đổi mới hình thức sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, cải tiến chất lượng mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi sản phẩm và đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm”.

    Việc tái đánh giá, củng cố thương hiệu sản phẩm OCOP không chỉ mang đến lợi ích thiết thực cho các chủ thể trong hoạt động kinh doanh, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đạt chuẩn mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo dựng uy tín cho các sản phẩm OCOP của tỉnh. Đồng hành cùng các cơ sở, hộ kinh doanh, hợp tác xã, Hội đồng đánh giá, xếp hạng OCOP tỉnh Sóc Trăng sẽ triển khai thêm nhiều lớp tập huấn, nhằm định hướng tốt cho các sản phẩm có nguyện vọng tham gia chương trình OCOP thiết lập phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đáp ứng tốt tiêu chí mà chương trình OCOP đặt ra, hướng đến mục tiêu cốt lõi là thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP Sóc Trăng cả về số lượng và chất lượng.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 60
  • Hôm nay: 7357
  • Trong tuần: 78,064
  • Tất cả: 11,801,384